Home | Sitemap | Login

   

Peatland News

Title: Tìm thấy rái cá quý hiếm ở rừng Cà Mau
Date: 01-Oct-2005
Category: Vietnam-Ca Mau
Source/Author: Thanh Nien news paper

Thông tin về việc nhân viên kiểm lâm rừng đặc dụng Vồ Dơi (tỉnh Cà Mau) trong khi đi tuần tra phòng chống cháy đã phát hiện ba cá thể thuộc một loài rái cá đặc hữu của rừng U Minh, đang dẫn nhau đi ăn và bắt được một con nhỏ nặng khoảng 2kg, mang về nuôi nhốt, chăm sóc nhằm phục vụ khách du lịch tham quan, đã khiến nhiều người trong và ngoài tỉnh rất quan tâm, nhất là cán bộ KHKT hoạt động trong lĩnh vực môi trường, vì loài thú này có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới. Tuy đây là thông tin rất đáng mừng nhưng đồng thời cũng phát sinh nhiều nỗi lo. 

Theo giới chuyên môn, đây là loài rái móng (rái cá lông mũi), có tên khoa học Lutra sumatrana, thuộc họ chồn Mustelidae, bộ ăn thịt Carnivora và nằm trong lớp thú Mammalia, rất hiếm trên thế giới, là một trong bốn loài rái cá đã được biết đến. Rái cá bơi lặn rất giỏi khi xuống nước, chịu lạnh khá tốt, chạy nhanh, đánh hơi thính, chuyên ăn cá, thường săn bắt cá vào ban ngày và sống theo bầy đàn nhỏ 5 – 7 con hoặc nhiều hơn nữa tại các vùng rừng ngập có bãi sông hay kinh rạch và nhiều cá để săn bắt làm thức ăn. Đến kỳ sinh sản chúng cắn lá cây làm tổ trong các lùm cây bụi nhỏ gần bãi sông, ven đầm nước vắng vẻ và có nhiều cá, tổ của chúng khá đơn giản. Rái cá có thời gian mang thai ngắn đẻ con và cho con bú, số lần đẻ ít và số con trong mỗi lứa đẻ không nhiều trong suốt cả vòng đời, nhưng lại có da và bộ lông rất quý nên hay bị săn bắt luôn, vì thế đây là loài có mật số cá thể khá thấp so với các loài còn lại. 

Ở nước ta loài này tìm thấy nhiều tại vùng rừng U Minh Thượng trước đây, ở U Minh Hạ cũng có được phát hiện nhưng rất ít. Rái cá có khả năng thích ứng rất cao với sự thay đổi thời tiết, khí hậu và nguồn thức ăn, nhờ tính chủ động di cư tìm mồi và tìm nơi thích hợp để sống. Vì thế sự xuất hiện rái cá lông mũi ở Vồ Dơi đáng để cho các nhà môi trường, các nhà sinh thái, động vật học nghiên cứu những vấn đề có liên quan khác. Tuy thông tin phát hiện là rất quý giá, nhưng việc bao vây và bắt để nuôi nhốt lại là việc làm thật sự không đáng khuyến khích, bởi bất cứ nhà bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm nào cũng khó có thể chấp nhận được cách ứng xử thiếu thận trọng như thế. 

Ngoài ra, từ trước Tết Nguyên đán 2005, chúng tôi cũng được biết Lâm ngư trường Sông Trẹm, rừng đặc dụng Vồ Dơi, Lâm ngư trường U Minh III cũng đã xuất hiện nhiều đàn khỉ có số lượng cá thể đến hàng chục con, nhiều loài thú quý như nai, heo rừng, một số loài chim di trú... mà từ lâu nhiều người vẫn tưởng chúng đã tuyệt chủng trên cánh rừng này. Phải chăng từ sau khi cháy cả hai cánh rừng U Minh năm 2002, nhiều loài thú không còn nơi trú ẩn an toàn đã tìm về những cánh rừng này để tá túc và phát triển bầy đàn. Hay nhờ được tập trung khôi phục và bảo vệ tốt nên môi trường các cánh rừng ở Cà Mau đã trở nên thích hợp cho các loài chim thú về trú ngụ. Như thế rừng U Minh Hạ đang dần trở thành nơi "đất lành". 

Sự xuất hiện của nhiều loài thú rừng quý hiếm trong thời gian gần đây trên các cánh rừng tràm ở Cà Mau cho thấy, đây có thể là dấu hiệu của sự phục hồi môi trường sinh sống của chúng, nhưng cũng không loại trừ trường hợp ngược lại là tình trạng con người đã lấn quá sâu vào lãnh địa của chúng, khiến chúng phải di chuyển tầm thực? Nguyên nhân của cả hai trường hợp trên cần phải được các nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực liên quan đánh giá cho thật chính xác để có quyết sách thật sát đúng nhằm bảo vệ an toàn và kịp thời các loài thú quý nói trên.



[ Back ] [ Print Friendly ]